GIÁO DỤC-Y TẾ
Đổi mới tư duy trong phòng chống dịch Covid -19
22/10/2021 09:01:02

Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường cả trong nước và trên thế giới, do đó chúng ta cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng chống dịch, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh. Chúng ta phải đổi mới tư duy chống dịch, học cách thích nghi, không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp cũ cho một tình huống mới...

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 như một “trận cuồng phong” vi-rút dữ dội và nguy hiểm càn quét qua hầu hết các quốc gia trên thế giới, không phân biệt biên giới, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, lứa tuổi, giới tính, tín ngưỡng…, ảnh hưởng trầm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội..

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh đã gây ra rất nhiều thiệt hại cả người và của cho đất nước ta, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Đảng, Nhà nước ta đã có những hành động quyết liệt phòng, chống dịch với quan điểm tính mạng con người là trên hết, trước hết, đồng thời ban hành chính sách đúng đắn, kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh, cứu trợ người dân, giảm bớt thiệt hại cho nhân dân và Nhà nước.

Khi nước ta bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, nhiều người cảm thấy lo lắng, sợ hãi, nhưng tất cả đều quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu “không Covid-19” bằng chiến lược “ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, phong toả, cách ly tập trung - dập dịch, điều trị hiệu quả”. Thành công đó đã được Thế giới và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Từ tháng 4-2021, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp với diễn biến phức tạp, nước ta đã trải qua những thời khắc hết sức khó khăn. Đến nay tuy dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước. Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ có thể bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Do đó đòi hỏi chúng ta cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt", hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

 

Bối cảnh dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta phải đổi mới tư duy chống dịch, học cách thích nghi, không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp cũ cho một tình huống mới. Cách can thiệp mạnh mẽ bằng biện pháp phong toả, giãn cách toàn xã hội trong thời gian dài có lẽ không còn tác dụng nữa, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Hơn nữa, các công cụ chống dịch giờ đây đã thay đổi, đồng thời hiểu biết của chúng ta về dịch bệnh cũng đầy đủ hơn trước rất nhiều thì hiển nhiên, khung tư duy và khung chính sách chống dịch cũng không thể như cũ.

Sự thay đổi quan trọng nhất là thay đổi quan điểm về “không Covid”. Từ chỗ chúng ta kiên trì trong mười mấy tháng qua với tư duy “không Covid”, thì bây giờ chúng ta hiểu rằng “không Covid” là khó khả thi, nhất là trong điều kiện dịch đã âm ỉ và lan rộng như ở nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Cần thay đổi quan điểm từ chỗ nói “không” với Covid-19 sang hướng hạn chế đến mức thấp nhất có F0 trong cộng đồng, giảm thiểu tử vong, kiềm chế số ca mắc, để phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn và bền vững. Kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, thực hiện các giải pháp đồng bộ cùng với vắc-xin và các biện pháp phòng dịch tích cực, dịch đã được kiểm soát, giảm nhanh số tử vong, khi chấp nhận số mắc vẫn ở một mức độ cao trong lúc sức chịu đựng của nền kinh tế và đời sống xã hội đã đến giới hạn, việc mở cửa dần từng bước đã được bắt đầu, có thể nói là an toàn theo chiều hướng rất tích cực.

Có F0 trong cộng đồng cũng có nghĩa là “kẻ thù tàng hình” đang ở quanh ta, có khi là ở ngay trong ta nhưng không biểu hiện triệu chứng và có thể lây lan ra cộng đồng, bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Trong phòng, chống dịch bệnh, công tác phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định trong bối cảnh độ bao phủ vắc-xin chưa cao. Quán triệt thực hiện nguyên tắc 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân, kết hợp với 3 trụ cột chính là cách ly, xét nghiệm, điều trị. Cách ly cần thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể, phải chặt chẽ, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả. Xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tốc độ xét nghiệp phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Điều trị phải có sự phân loại, chăm sóc, tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế, hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Đồng thời phải tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, chỉ có tiếp tục cương quyết tìm biện pháp phù hợp, mạnh dạn đương đầu với thách thức mới có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, phục hồi toàn diện nền kinh tế của nước nhà.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ LÊ HỒNG - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Bùi Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã 

Địa chỉ: Xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220.353.6789

Hmail: lehong.thanhmien@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0