TIN TỔNG HỢP KHÁC
Kỷ niệm 81 năm ngày Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941 – 06/06/2022) và 27 năm ngày Thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/05/1995- 10/05/2022).
10/05/2022 05:29:41

“Trọng lão” là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi với gia đình và xã hội; thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.

Điển hình của truyền thống “trọng lão” trong lịch sử dân tộc là cuộc tập hợp các cụ phụ lão tại Điện Diên Hồng do Nhà Trần tổ chức năm 1284 để hỏi ý kiến các cụ nên “đánh” hay “hòa” khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2; tầng lớp phụ lão trong cả nước, tiêu biểu cho ý chí của nhân dân đã khẳng định quyết tâm chiến đấu, giúp triều đình Nhà Trần vững vàng lãnh đạo, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược, giành thắng lợi.

Sự kiện lịch sử “Hội nghị Diên Hồng” được đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu của chúng ta trân trọng, Người chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn của lớp người cao tuổi đối với nhiệm vụ cách mạng.

Ngay trong những ngày đầu về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 6-6-1941, Người ra lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” nhằm tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trong lời kêu gọi này, Người ra Lời hiệu triệu “đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Người chỉ rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão và nhiệm vụ của đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì… Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo”.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” và “Lời hiệu triệu các bậc phụ lão” từ thời điểm lịch sử 6-6-1941, lớp người cao tuổi cả nước hăng hái tham gia “Hội phụ lão cứu quốc” để cùng toàn dân tham gia kháng chiến cứu quốc trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng thành công trong đó có sự đóng góp to lớn của lớp người cao tuổi và tổ chức Hội phụ lão cứu quốc.

Từ nguyện vọng tha thiết của lớp người cao tuổi trong cả nước cùng với sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của lớp người cao tuổi Việt Nam, ngày 26-5-2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6-6 hàng năm là Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam có dấu mốc lịch sử khởi đầu là ngày 6-6-1941-Ngày Bác Hồ ra “Lời hiệu triệu đoàn kết các bậc phụ lão”. Nội dung cốt lõi của “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” là dịp để lớp người cao tuổi ôn lại và khắc sâu niềm tự hào về những đóng góp của mình đồi với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ đó phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn mới của đất nước; xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng cho lớp người cao tuổi hiện nay: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Kể từ ngày 6-6-2010, ngày kỷ niệm truyền thống người cao tuổi Việt Nam còn có thêm tên mới: “Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội ở thời kỳ mới của đất nước, thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập và phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời cũng là giai đoạn đất nước diễn ra tình trạng “già hóa dân số” một cách nhanh chóng. Ngày 23-11-2009, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Người cao tuổi. Điều 6, Luật người cao tuổi có ghi: “Ngày 6 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam”. Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Như vậy kể từ ngày 6-6-2010 có thêm ngày kỷ niệm truyền thống của lớp Người cao tuổi_ “Ngày người cao tuổi Việt Nam”

Như vậy “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” kể từ dấu mốc lịch sử 6-6-1941 là tiền đề để Luật hóa trở thành “Ngày người cao tuổi Việt Nam 6-6” nhằm bổ sung một nội dung rất quan trọng được thể hiện trong Luật Người cao tuổi. Đó là sự khẳng định vai trò của lớp người cao tuổi trong xã hội phải được phát huy đúng mức, sự cống hiến đóng góp của người cao tuổi cho xã hội phải được ghi nhận và tiếp tục tạo điều kiện để phát huy. Đồng thời, Nhà nước phải tạo điều kiện để toàn xã hội quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho người cao tuổi như Điều 1, Luật Người cao tuổi quy định: “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…”.

Những bài học kinh nghiệm qua 27 năm xây dựng và phát triển

Qua 27 năm xây dựng và phát triển, Hội Người cao tuổi Việt Nam trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu:

Một là, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi; không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp và sức mạnh to lớn của lớp người cao tuổi, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể, lựa chọn nhiệm vụ sát, đúng là bảo đảm cho hoạt động của Hội có hiệu quả, không xa rời tôn chỉ, mục đích của Hội.

Hai là, coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vị trí, vai trò người cao tuổi, Hội Người cao tuổi đối với đời sống xã hội hiện nay.

Ba là, vì quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, không ỷ lại, chờ đợi; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác người cao tuổi; phải có quyết tâm cao, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể; có biện pháp tổ chức hoạt động, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi bằng phòng trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp với các tổ chức liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp trong các lĩnh vực hoạt động của Hội.

Bốn là, quán triệt quan điểm “Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, nhất là chương trình có liên quan đến người cao tuổi, thực hiện xã hội hóa, tăng cường phối hợp liên ngành và giữ vai trò nòng cốt trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”; biết phát huy khả năng của người cao tuổi: tự vận động, tự phát triển, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm.

Năm là, khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng Hội vững mạnh. Công tác tổ chức, cán bộ luôn luôn đi trước một bước; phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp người cao tuổi, coi trọng việc lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp Hội; quan tâm đến chính sách và tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động của Hội.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ LÊ HỒNG - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Bùi Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã 

Địa chỉ: Xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220.353.6789

Hmail: lehong.thanhmien@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 4
Tất cả: 47,787