Hằng năm cứ vào tháng 10, tháng 11, cùng với cả nước, các địa phương trong tỉnh lại bắt tay vào việc họp bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là hoạt động để Đảng, Nhà nước và các địa phương nắm bắt được tình trạng hộ nghèo, từ đó có chính sách giúp người dân thoát nghèo hiệu quả thông qua các chính sách hỗ trợ. Sự quan tâm này thể hiện tính ưu việt của chế độ, phù hợp với đạo lý của người Việt Nam. Thông qua việc điều tra, rà sát, các cấp, ngành chức năng sẽ xác định được chính xác diễn biến về hộ nghèo, cận nghèo để đánh giá một cách khách quan về kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo hằng năm. Số liệu thống kê về hộ nghèo cũng là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch, đề ra những giải pháp phù hợp để triển khai các chính sách an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cho thời gian kế tiếp.
Với những nỗ lực đó, từ đầu năm đến nay, người nghèo trên toàn xã đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt như: Hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ miễn giảm học phí; mua bảo hiểm y tế; các chương trình ưu đãi cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo;
Những năm trước đây, công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo đã được triển khai song đây đó vẫn còn để lại những thắc mắc trong dân. Do vậy, công tác rà soát năm nay đòi hỏi sự chủ trì, vào cuộc phối hợp, giám sát chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể, các thôn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân và hội viên tham gia thực hiện, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo và cận nghèo. UBND xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương; thành lập ban chỉ đạo và tiểu ban chỉ đạo giúp việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo mới trên địa bàn…
Năm nay chuẩn điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo căn cứ vào Điều 3 Nghị định 07 ngày 27/01/2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025:
Chuẩn hộ nghèo, đối với Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 06 dịch vụ như: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 12 chỉ số) là: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Chuẩn hộ cận nghèo đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn hộ có mức sống trung bình đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng.
Về cơ bản, quy trình điều tra hộ nghèo, cận nghèo tương tự như năm 2022.