Theo thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc SXH, trong đó có 18 trường hợp tử vong, chủ yếu là tại các địa phương khu vực phía nam. So cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 36,7%, tăng năm trường hợp tử vong. Đáng chú ý, hai tuần gần đây số mắc có xu hướng tăng nhẹ, số mắc trong tuần tăng 15,4% so với tuần trước.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vius Dengue gây ra, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vius sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Bệnh SXH xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, tại Việt Nam bệnh lưu hành rất phổ biến ở cả ba miền bắc, trung, nam và bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine cho nên bệnh thường gây ra dịch lớn, với nhiều người mắc cùng lúc khiến cho công tác điều trị gặp không ít khó khăn và gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội của các địa phương.
Covid -19 và SXH cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như: Đau nhức xương khớp, sốt, ớn lạnh, đau đầu... Tuy nhiên, SXH điển hình có biểu hiện như da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra, còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: chảy máu cam, chảy máu chân răng… Trong khi đó, bệnh Covid-19 ngoài nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như: ho, đau họng, khó thở, nặng có thể dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp. Đáng lo ngại, khi dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta đang diễn biến phức tạp, nhiều người bị SXH có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến Covid-19 mà bỏ qua việc thăm khám, xét nghiệm dẫn đến điều trị sai hoặc muộn… Đây là nguy cơ dịch SXH bùng phát thành dịch và lây lan trong cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống SXH, nhất là không để xảy ra “dịch chồng dịch” khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì cấp ủy, chính quyền cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp Trạm y tế triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, với mục tiêu bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Chỉ đạo y tế tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh SXH Dengue. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXH ngành y tế đưa ra như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần diệt bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà...