Trong bức thư của Ban tổ chức gửi Ban Thường trực, ngày thương binh toàn quốc, Hồ Chủ tịch đã viết: “Đang khi tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt.
Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy…
Chiều tối ngày 27-7-1947, vào khoảng 18 giờ, tại thôn Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trên 300 đại biểu đại diện các ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo căn cứ địa Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ đã dự mít tinh, nghe bức thư của Hồ Chủ tịch và phát động ngày thương binh toàn quốc..
Sau lễ phát động phong trào chăm sóc thương binh trên toàn quốc, vào dịp tháng 7 năm 1948, khi nhắc nhở toàn dân ghi nhớ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Hồ Chủ tịch gọi ngày 27-7 là ngày thương binh, tử sỹ. Năm 1955, trong dịp phát động các địa phương trong cả nước họp bàn, xác định công lao của những người hy sinh vì nước để Nhà nước công nhận là liệt sỹ, ngày 27-7 được đổi thành ngày thương binh, liệt sỹ.
75 năm đã đi qua, kể từ ngày thương binh toàn quốc khởi đầu thành phong trào trên cả nước – ngày 27-7-1947, đất nước đã trải qua ba cuộc chiến tranh đầy gian nan, vất vả nhưng thắng lợi rất vẻ vang. Hàng vạn người con yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường đánh giặc ở trong nước và làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ đã gửi lại một thời thanh xuân và một phần xương máu ở các chiến trường, khi về hậu phương vẫn ngời sáng phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, bền bỉ hành quân vào công cuộc đổi mới đất nước. Biết bao người mẹ, người vợ, người chị, người em một đời thờ chồng, nuôi con, đêm đêm vẫn ngóng trông về các nẻo chiến trường ngày xưa trên cả nước, chờ một tin vui khi biết phần mộ người thân chôn cất ở nơi nào để mong một ngày đưa hài cốt họ về quê cha, đất tổ.
Trân trọng và biết ơn những người hy sinh vì Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn giành những tình cảm đặc biệt đối với những người hy sinh vì nước, đối với liệt sỹ, thương binh, coi đó là việc làm không phải chỉ của những người đang sống hôm nay mà còn là nhiệm vụ của các thế hệ kế tiếp. Ngày 27-7 hàng năm được xác định là hòn đá tảng của tâm hồn đất Việt để xem xét đạo lý sống của mỗi người khi ngày thanh bình đang chan hòa trên mỗi xóm phố, làng quê của Tổ quốc.
76 năm qua, đất nước đi từ chiến tranh đến hòa bình và đổi mới. Có những thời điểm lịch sử khó khăn chồng chất khó khăn nhưng ngày 27-7 vẫn ấm áp ân tình và trách nhiệm.
Từ ngày đất nước đổi mới, điều kiện kinh tế phát triển, tạo cơ hội để nhân dân ta “đền ơn, đáp nghĩa” ở cả chiều rộng, chiều sâu, cả tinh thần và vật chất.
Ngày 27-7 hàng năm nhắc nhở chúng ta nhớ ơn những Anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đã hy sinh vì Độc lập – Tự do của Tổ quốc để sẵn sàng kế bước họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay.
Nhân dịp này chúng tôi những người làm chương trình xin gửi tới các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, các Đ/c là Thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người nhiễm chất độc hóa học, người có công với cách mạng lời tri ân sâu sắc nhất.