Thời điểm này, các hoạt động chuẩn bị tổ chức vui đón Tết Trung thu cho thiếu nhi tại các thôn đang được gấp rút thực hiện. Nhiều cơ sở kinh doanh tập trung nhập các mặt hàng phục vụ cho các em thiếu nhi; Cùng với đó, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn…
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này, tại các nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi giải trí, các tổ chức, cơ sở Đoàn, Đội cũng đang tất bật chuẩn bị chương trình Tết Trung thu cho thiếu nhi. Tại Nhà văn hóa thôn Đại Đồng, xã Lê Hồng trong nửa tháng nay luôn ngập tràn không khí rộn ràng, náo nhiệt. Tiếng hát, tiếng nhạc hòa quyện cùng với điệu múa uyển chuyển và sự trang nghiêm, dứt khoát trong các bài tập đã kéo Tết Trung thu về rất gần với thiếu niên nhi đồng nơi đây. Anh Bùi Văn Khương - Uỷ viên BCH Đoàn xã, Bí thư Chi đoàn thôn Đại Đồng chia sẻ: “Rất nhiều năm gắn bó với các hoạt động đoàn + đội .Được cùng các em tập luyện những bài hát, điệu múa tôi cảm thấy rất vui. Với tâm huyết của mình, tôi mong muốn Tết Trung thu năm nào cũng sẽ thu hút được nhiều em tham gia. Gắn bó với các em nhỏ không chỉ khiến tôi như được trở về tuổi thơ mà còn góp phần phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ"
Là một trong những thôn mạnh về hoạt động văn hóa - văn nghệ. Trung thu năm nào, thôn Đại Đồng cũng thu hút gần 100 thiếu niên nhi đồng tham gia. Ngoài việc tập luyện các động tác múa cho thiếu nhi đều và đẹp, đoàn viên thanh niên trong thôn cũng đang khẩn trương hoàn thiện việc trang trí rồng và cá chép vàng, phục vụ Đêm hội trăng rằm. "Năm nay cơ sở thôn đã đầu tư kinh phí làm con rồng và cá chép vàng. Hiện toàn bộ đoàn viên thanh niên trong thôn đang lắp ghép và bổ sung những vật dụng còn thiếu cho đêm hội trăng rằm. Việc tập luyện văn nghệ cho các em cũng cơ bản hoàn tất- anh Bùi Văn Khương, Bí thư chi đoàn thôn Đại Đồng chia sẻ.
Những ngày qua, tại các cửa hàng đồ chơi ở Lê Hồng, những đồ chơi truyền thống vẫn luôn được trẻ em yêu thích. Chị Kim Thị Đua, chủ một cửa hàng đồ chơi tại đường 392C cho biết: Đèn ông sao là một trong những mặt hàng có sức mua ổn định vì giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhiều màu sắc, được làm bằng các nguyên liệu đơn giản như: giấy màu, giấy bóng, tre, nứa, đay… Món đồ chơi này tại cửa hàng có đầy đủ các kích cỡ từ 30-40-50cm, với các mức giá 15-20nghìn đồng/chiếc rất phù hợp cho trẻ con chơi và trang trí sân khấu “Đêm hội trăng rằm” tổ chức ở các khu dân cư.
Ngoài đèn lồng, đèn ông sao, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo là phần không thể thiếu của Tết Trung thu từ xưa đến nay. Bánh nướng, bánh dẻo cũng giống như bánh chưng, bánh giầy đều có điểm chung là vỏ bánh bọc lấy các loại nhân (ngũ vị) thể hiện quan niệm âm dương đối đãi, tương hợp, tương sinh, tình cảm gắn bó, bao bọc lẫn nhau. … với hình thức bao bì phong phú, hương vị đa dạng, khác lạ. .
Để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, các trường học, các thôn trong xã đã lên kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp thiếu niên, nhi đồng hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu xưa như: bày mâm cỗ Trung thu, rước đèn trông trăng, chơi các trò chơi dân gian, làm bánh dẻo, làm đèn ông sao, đố vui có thưởng với chú Cuội và chị Hằng… Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể của xã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
Bên cạnh đó, vào dịp Trung thu hàng năm Lê Hồng đã tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa phẩm, đồ chơi có tính chất bạo lực, phản giáo dục, chất lượng kém, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em.
Cũng vào dịp này, UBND xã cũng bố trí kinh phí, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn. Đoàn, Đội trên địa bàn xã đẩy mạnh công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng, hướng dẫn nội dung hoạt động bổ ích; lồng ghép hoạt động với nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội; phát động phong trào đoàn viên, thanh niên giúp đỡ, ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong dịp Tết Trung thu./.